XÂY DỰNG CHUỖI RONG BIỂN VIỆT NAM BỀN VỮNG
Từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2022, Tổng cục Thủy sản cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam đã xây dựng đề xuất dự án "Xây dựng dự án chuỗi rong biển bền vững tại Việt Nam".
Để hoàn thiện dự án trên, ngày 16/2, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) Tổng cục Thủy sản phối hợp WWF-Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ và xin ý kiến góp ý về đề xuất dự án “Xây dựng dự án chuỗi rong biển biển bền vững tại Việt Nam”.
Hiện trạng và cơ hội chuỗi rong nho
Tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Văn Giáp, đại diện nhóm tư vấn đã có báo cáo kết quả phân tích chuỗi giá trị rong biển (rong nho và rong sụn). Theo đó, hiện Việt Nam có hệ sinh thái biển đa dạng như đầm phá, bãi đá, rạn san hô…thích hợp cho nghề trồng rong biển.
Hiện diện tích tiềm năng trồng rong sụn cả nước khoảng 900 nghìn ha (tương đương 600 - 700 nghìn tấn rong khô/năm). Trong số hơn 800 loài rong biển, 90 loài có giá trị kinh tế.
Tại Việt Nam có 20 loài rong biển chứa agar, trong đó có 7 loài rong biển phổ biến có giá trị kinh tế cao như: Rong nho (Caulerpa lentillifer); rong câu chỉ vàng (Gracilaria tenuistipitat); rong câu thắt (Gracilaria firma); rong câu cước (Gracilariopsis bailinae); rong sụn (Kappaphycus alvarezii); rong bắp sú (Kappaphycus striatus) và rong sụn gai (ucheuma denticulatum).
Trong đó, rong nho được du nhập vào Khánh Hòa vào năm 2004 và trồng thành công ở tỉnh này. Vùng trồng rong nho tiềm năng khoảng 400 ha, chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa. Hiện diện tích trồng rong nho khoảng 100 ha, năng suất từ 10-20 tấn/ha/năm, giá bán từ 8 - 10 USD/kg tươi.
Đối với rong sụn hiện được trồng ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Với diện tích tiềm năng khoảng 10.000 ha, trong khi mới có khoảng 900 ha được canh tác. Rong sụn cho năng suất 20 - 30 tấn ha /năm và giá bán khoảng 0,1 USD/kg tươi.
Về chế biến rong biển, hiện Việt Nam có 40% sản phẩm rong tươi chế biến thành rong trắng làm thực phẩm và bán trên cả nước. Gần đây, rong biển ở Việt Nam được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng như: snack, thực phẩm chức năng, thực phẩm phụ gia, bánh kẹo… và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến rong biển và tiếp thị các sản phẩm rong biển.
Đến năm 2020, diện tích trồng rong biển đạt khoảng 15.000 ha, sản lượng 135.000 tấn. Trong đó, lợi nhuận rong nho khoảng 150 triệu/ha và rong sụn khoảng 60 triệu/ha.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, mấy năm trước chúng ta mời chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam để nói về tiềm năng, lợi thế phát triển rong biển và đó là khởi đầu để phát triển ngành rong Việt Nam. Hiện là thời điểm để chúng ta phát triển ngành rong được tốt hơn, tuy nhiên việc phát triển rong biển phải gắn chuỗi chế liên kết, để làm sao giữa các thành viên trong chuỗi có đời sống tốt, có hiệu quả kinh tế và đóng góp chung cho phát triển bền vững.
"Do đó, thời gian qua thời nhóm tư vấn đã đi đến các địa phương, các doanh nghiệp để khảo sát. Chúng tôi cũng đã gặp doanh nghiệp chế biến thạch rau câu bàn về vấn đề này để làm sao phát huy tiềm năng lợi thế rong biển. Về phía doanh nghiệp chế biến cũng rất quyết tâm phát triển rong biển, để vừa giúp bà con ven biển nâng cao đời sống, vừa giúp doanh nghiệp có nguyên liệu chế biến nhằm hạn chế nhập khẩu rong", ông Trần Đình Luân cho biết.
Tại hội thảo các đại biểu đã góp ý cho dự án, theo đó để phát triển chuỗi rong nho cần có các cơ sở giống chất lượng để cung ứng giống cho người nuôi. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao sản lượng, chất lượng rong sụn. Đẩy mạnh áp dụng hệ thống chứng nhận để kiểm tra chất lượng rong nuôi trồng, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn môi trường sinh thái. Cũng như cho cho vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ nuôi rong biển quy mô nhỏ liên kết thành chuỗi bền vững.
Phát triển rong biển sẽ đảm bảo 2 mục tiêu
Theo ông Luân, vấn đề hiện chúng ta hay nhắc nhở đó là biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Vừa qua, Thủ tướng tham dự COP 26 tại Anh cũng mong muốn chúng ta phát triển kinh tế nhưng giảm phát thải, phát huy lợi thế tiềm năng. Do đó, việc khai thác tiềm năng mặt nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung để phát triển rong biển sẽ giúp bà con khai thác nhỏ lẻ ven bờ hiện nay chuyển đổi nghề.
Vì rong là đối tượng hoàn toàn phát huy hiệu quả tiềm năng của các vùng nước, người trồng không bỏ chi phí đầu tư thức ăn, công lao động chăm sóc và bảo vệ. Bên cạnh đó một trong những xu hướng tới đây các sản phẩm từ biển sẽ rất ưa chuộng, đặc biệt từ rong biển.
Tuy nhiên, hiện chúng ta mới chỉ khai thác và sử dụng ở mức độ thô sơ, do đó tới đây sẽ mở ra cơ hội rất tiềm năng cho lĩnh vực chế biến phục vụ về y tế, các loại thực phẩm chức năng. Từ đó sẽ kéo dài chuỗi chế biến sản phẩm rong biển.
“Nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt thì đây một trong những hướng đi giúp cho đời sống bà con ven biển ngày càng tốt hơn. Đây cũng là nằm trong định hướng chung của ngành, đó là tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các mô hình chúng ta có thể phát triển rong biển như các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng quản lý hoặc thông qua các HTX, tổ hợp tác gắn chế biến tiêu thụ sản phẩm”, ông Luân cho biết.
Theo ông Luân, thực hiện được vấn đề này sẽ đảm bảo 2 mục tiêu, đó là bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi ven biển và nâng cao đời sống người dân ven biển. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển sản phẩm gắn du lịch nông thôn, du lịch làng nghề... Đồng thời phát triển ngề rong biển còn khai thác được tiềm năng lợi thế với chi phí thấp nhất, hiệu quả kinh tế cao nhất và bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học.
Theo ông Luân, hiện nhu cầu chế biến rong biển rất lớn, ngoài doanh nghiệp chế biến thạch rau câu Long Hải, thì các địa phương thông qua hội Nông dân cũng thu mua. Tuy nhiên nguồn cung không đáp ứng đủ và phải nhập cả ngàn tấn rong khô từ các nước xung quanh. “Đối với dự án này chúng tôi có sự hợp tác với nhiều đối tác khác như Hà Lan, châu Âu và Mỹ nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam chế biến sản phẩm rong biển có giá trị cao hơn. Từ đó, giúp khai thác mở rộng diện tích tiềm năng, kéo dài chuỗi giá trị và tiến tới nền nông nghiệp tuần hoàn”, ông Luân chia sẻ.